Đào tạo – Chuyển giao kỹ thuật

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới theo quyết định số 2636/QĐ-BYT ngày 20/6/2017 về việc phê duyệt Dự án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020.

Từ năm 2014 đến năm 2022, Bệnh viện đã đào tạo và chuyển giao một số lĩnh vực chuyên môn phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho 06 bệnh viện trên địa bàn TPHCM và 22 bệnh viện tuyến tỉnh, 37 kỹ thuật chuyên môn đã được chuyển giao.

Các kỹ thuật chuyển giao thuộc các chuyên khoa: Mắt, Chẩn đoán Hình ảnh, Chấn thương Chỉnh hình, Lồng ngực Mạch máu, Phẫu thuật Tim mạch, Ngoại Thần kinh, Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Gan Mật Tụy, Hậu môn Trực tràng, Tạo hình Thẩm mỹ, Tai Mũi Họng…

1. Điều kiện đối với đơn vị phụ trách chuyển giao

Kỹ thuật dự kiến chuyển giao là kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt cho phép triển khai tại Bệnh viện.

Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật.

2. Điều kiện đối với người đi chuyển giao kỹ thuật

Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Có kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật dự kiến chuyển giao được Trưởng đơn vị phụ trách xác nhận và chịu trách nhiệm phân công chuyển giao kỹ thuật.

3. Điều kiện đối với người đi chuyển giao kỹ thuật

Cơ sở tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

4. Điều kiện đối với người tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật

Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn phù hợp với kỹ thuật tiếp nhận chuyển giao theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Đáp ứng các yêu cầu đặc thù khác đối với từng kỹ thuật tiếp nhận chuyển giao.

5. Chương trình chuyển giao kỹ thuật

Nội dung chủ yếu của chương trình chuyển giao kỹ thuật:

  • Tên kỹ thuật chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị.
  • Mục tiêu chuyển giao kỹ thuật.
  • Tiêu chí chuyển giao kỹ thuật hoàn thành.
  • Đối tượng chuyển giao kỹ thuật, yêu cầu đầu vào đối với người tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
  • Chương trình chuyển giao kỹ thuật chi tiết (nội dung đào tạo, số tiết học).
  • Tài liệu kỹ thuật và tài liệu tham khảo.
  • Phương thức chuyển giao kỹ thuật, phương pháp giảng dạy.
  • Tiêu chuẩn kíp chuyển giao kỹ thuật.
  • Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác phục vụ hoạt động chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Chương trình chuyển giao kỹ thuật được xây dựng phù hợp với thực trạng năng lực của Bên tiếp nhận chuyển giao, bao gồm:

  • Đào tạo kíp kỹ thuật của Bên tiếp nhận chuyển giao tại Đơn vị phụ trách chuyển giao về lý thuyết, thực hành lâm sàng.
  • Đào tạo thực hành lâm sàng cho kíp kỹ thuật tại Bên tiếp nhận chuyển giao, đảm bảo kíp kỹ thuật bước đầu độc lập thực hiện được kỹ thuật đang chuyển giao.
  • Giám sát hỗ trợ kíp kỹ thuật thực hiện kỹ thuật được chuyển giao, đảm bảo kíp kỹ thuật làm chủ được kỹ thuật đó đồng thời cơ sở tiếp nhận kỹ thuật đủ điều kiện đề xuất bổ sung danh mục kỹ thuật của đơn vị.

Căn cứ năng lực chuyên môn của kíp kỹ thuật tiếp nhận chuyển giao và điều kiện thực tế, Đơn vị phụ trách chuyển giao quyết định việc thực hiện chuyển giao kỹ thuật đầy đủ hoặc có thể lược bỏ một số bước trong các bước nêu trên.

6. Tiêu chí đánh giá chuyển giao kỹ thuật hoàn thành

Tiêu chí đánh giá chuyển giao kỹ thuật hoàn thành được xây dựng nhằm xác định kết quả chuyển giao kỹ thuật, thể hiện việc làm chủ kỹ thuật của Bên tiếp nhận chuyển giao. Tiêu chí chuyển giao kỹ thuật hoàn thành là cơ sở để nghiệm thu, thanh lý hợp đồng chuyển giao kỹ thuật.

Tiêu chí đánh giá chuyển giao kỹ thuật hoàn thành được xác định bằng số ca mà kíp tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật độc lập thực hiện thành công với tỷ lệ tai biến cho phép, đảm bảo đủ điều kiện để cơ sở tiếp nhận chuyển giao trình cấp có thẩm quyền bổ sung danh mục kỹ thuật của đơn vị.

Sau khi kết thúc chuyển giao kỹ thuật, đơn vị phụ trách chuyển giao kỹ thuật có trách nhiệm báo cáo kết quả chuyển giao kỹ thuật về Phòng Khoa học và Đào tạo.

7. Chi phí thực hiện chuyển giao kỹ thuật

Theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

8. Các bước thực hiện chuyển giao kỹ thuật

Bên tiếp nhận chuyển giao có văn bản gởi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật.

Căn cứ theo đề xuất của Bên tiếp nhận chuyển giao, Phòng Khoa học và Đào tạo sẽ phối hợp với Đơn vị phụ trách chuyển giao thẩm định các điều kiện của Bên tiếp nhận chuyển giao và đề xuất ý kiến trình Ban Giám đốc. Bệnh viện phản hồi bằng văn bản cho Bên tiếp nhận chuyển giao.

Phòng Khoa học và Đào tạo, Đơn vị phụ trách chuyển giao và Bên tiếp nhận chuyển giao cùng phối hợp xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phù hợp với nguồn lực, điều kiện của Bên tiếp nhận chuyển giao.

Sau khi thống nhất các nội dung trong kế hoạch, Bệnh viện và Bên tiếp nhận chuyển giao ký Hợp đồng chuyển giao kỹ thuật.

Tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo hợp đồng và kế hoạch đã được phê duyệt.

Kết quả chuyển giao kỹ thuật:

  • Đạt yêu cầu: xác nhận kết quả, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.
  • Không đạt yêu cầu: gia hạn thời gian chuyển giao kỹ thuật, hoặc nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.