Vừa qua, nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) gồm PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng – Trưởng khoa Tiêu hóa, PGS TS BS. Nguyễn Thị Băng Sương – Trưởng khoa Xét nghiệm, ThS BS. Phan Thế Sang và ThS BS. Nguyễn Đình Chương – Khoa Tiêu hóa đã đạt Giải Poster Xuất sắc từ “Giải thưởng mang tên Giáo sư Mindie H. Nguyen dành cho các Nghiên cứu viên trẻ có nghiên cứu lâm sàng xuất sắc” (“Professor Mindie H. Nguyen Award for Outstanding Clinical Research by Early Career Investigators”) với công trình nghiên cứu: “M2BPGi, một chỉ dấu mới để đánh giá xơ hóa gan ở người bệnh Việt Nam bị viêm gan virus B mạn”.
Đây là giải thưởng do quỹ tài trợ của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Hoa Kì (American Association for the Study of Liver Diseases Foundation) trao thưởng hằng năm cho các nghiên cứu lâm sàng xuất sắc được báo cáo tại Hội nghị Gan thường niên của Hội.
Giải thưởng nhằm tôn vinh những thành tựu cống hiến to lớn cho ngành gan thế giới do Giáo sư Mindie H. Nguyen là đại diện. Bà là một bác sĩ gốc Việt, hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford, Hoa Kì với hàng nghìn công trình nghiên cứu về bệnh viêm gan cũng như ung thư gan. Giải thưởng được trao cho các bác sĩ, các nghiên cứu viên trẻ đến từ vùng Đông Nam Á, Châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm khuyến khích sự phát triển nghiên cứu các bệnh gan do virus, gan nhiễm mỡ và ung thư gan.
PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng – Trưởng khoa Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM chia sẻ, nghiên cứu đã cho thấy M2BPGi là một xét nghiệm có độ tin cậy cao trong đánh giá XHG và ở một mức độ nào đó có thể thay thế hoặc bổ sung các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh học và sinh thiết gan. Nhóm nghiên cứu cũng thiết lập được ngưỡng cắt của xét nghiệm M2BPGi trong ước lượng XHG đáng kể (F ≥2) và xơ gan (F4) để áp dụng cho người bệnh Việt Nam bị VGVB mạn. M2BPGi thật sự là một xét nghiệm đơn giản, chỉ trong vòng 17 phút là có kết quả nên rất dễ dàng triển khai ở mọi cơ sở y tế mà không cần đến các thiết bị phức tạp và đắt tiền.
Đây là lần đầu tiên BV ĐHYD TPHCM đăng kí tham gia báo cáo nghiên cứu bằng poster và đã vinh dự được lựa chọn trình bày tại Hội nghị bệnh Gan Hoa Kì. Đây là một Hội nghị chuyên ngành Gan tầm cỡ bậc nhất trên Thế giới. Nhóm nghiên cứu đã đề cử ThS BS. Nguyễn Đình Chương, một BS trẻ nhất của Khoa Tiêu hóa đại diện trình bày poster. Đối với nhóm nghiên cứu, đây thực sự là một cột mốc đáng ghi nhớ, đánh dấu những nỗ lực của tập thể, đặc biệt diễn ra trong thời gian khó khăn của dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Thành tích này chắc chắn sẽ là nguồn động viên to lớn để BV ĐHYD TPHCM tiếp tục phát huy và ghi dấu ấn của mình trên đấu trường học thuật và nghiên cứu quốc tế.
“Đầu tiên, chắc chắc đây là giây phút khá bất ngờ xen lẫn niềm hạnh phúc và vinh dự. Bất ngờ vì trong gần 40.000 nghiên cứu gửi về hội nghị năm nay, nghiên cứu của BV ĐHYD TPHCM là một trong 140 nghiên cứu được trao giải. Điều đó không thể giấu được cảm xúc hạnh phúc, hãnh diện khi được vinh danh trong lễ trao giải tại Hội nghị chuyên ngành Gan mang tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đây là giải thưởng dành cho các nghiên cứu viên trẻ để động viên họ trên con đường nghiên cứu khoa học sau này. Do đó, khi đặt cạnh các giải thưởng vinh danh những thành tựu cống hiến trọn đời cho chuyên ngành gan thì nó chỉ là một khởi đầu. Cảm xúc rồi cũng sẽ qua đi, tất cả cũng chỉ còn là ký ức. Điều quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ các thành viên trong nhóm là luôn luôn giữ được “lửa đam mê” trong nghiên cứu và cống hiến cho các thành tựu khoa học của ngành y tế Việt Nam cũng như cho BV ĐHYD TPHCM trong tương lai. Đích đến của chúng ta không chỉ là những giải thưởng mà là phải nâng cao công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học để phục vụ tốt công tác khám và chữa bệnh cho người bệnh.” – PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
– Giới thiệu tổng quan về công trình nghiên cứu: “M2BPGi as a novel marker for liver fibrosis in Vietnamese patients with chronic hepatitis B”, tạm dịch “M2BPGi, một chỉ dấu mới để đánh giá xơ hóa gan ở người bệnh Việt Nam bị viêm gan virus B mạn”:
Viêm gan virus B (VGVB) mạn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Việt Nam được xếp vào vùng dịch tễ lưu hành cao của bệnh VGVB với tần suất lưu hành khoảng 8% trong dân số. Trong đó, hơn 30% người bệnh xơ gan và khoảng 60-80% người bệnh ung thư gan ở Việt Nam có liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV). Như vậy, các số liệu trên cho thấy VGVB mạn thực sự là một gánh nặng đối với y tế Việt Nam.
Đánh giá mức độ xơ hóa gan (XHG) rất cần thiết trong việc quản lý và điều trị người bệnh VGVB mạn. Mặc dù sinh thiết gan được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán XHG nhưng đây lại là một kỹ thuật xâm lấn có thể gây tai biến. Do đó, xu hướng mới hiện nay là nghiên cứu các biện pháp ít xâm hại để đánh giá XHG như đo độ đàn hồi gan thoáng qua bằng máy FibroScan, kĩ thuật tạo hình bằng xung lực bức xạ âm (ARFI) hoặc ứng dụng các chỉ dấu sinh hóa mới để thay thế dần sinh thiết gan. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm một xét nghiệm đơn giản nhưng có độ chính xác cao và giá thành hợp lý để có thể triển khai rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế.