Chúc mừng giải Nhì giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ do Hội tim mạch Việt Nam tổ chức

Vừa qua, công trình nghiên cứu: “Hiệu quả của đội nhóm phản ứng nhanh thuyên tắc phổi (PERT TEAM) trong điều trị người bệnh thuyên tắc phổi ở quốc gia đang phát triển” của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) đã đạt GIẢI NHÌ – YOUNG INVESTIGATOR AWARD (Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ). Đây là giải thưởng được tổ chức mỗi năm một lần bởi Hội Tim Mạch Việt Nam.



Công trình nghiên cứu do TS BS. Bùi Thế Dũng, ThS BS. Trần Đăng Khương, BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết Mai – Khoa Nội tim mạch; ThS BS. Vũ Hoàng Vũ, TS BS. Trần Hòa – Khoa Tim mạch Can thiệp và PGS TS BS. Lê Minh Khôi – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo BV ĐHYD TPHCM thực hiện.

Thông qua kết quả của công trình nghiên cứu này, BV ĐHYD TPHCM đã chính thức triển khai mô hình PERT trong điều trị thuyên tắc phổi, giúp người bệnh thuyên tắc phổi nguy kịch được điều trị kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong, giúp người bệnh có được chất lượng cuộc sống tốt, tránh được các biến chứng lâu dài của bệnh. Điều này cũng giúp Bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy cho các bệnh viện tuyến dưới và các bệnh viện trong thành phố khi gửi người bệnh thuyên tắc phổi nặng đến để chữa trị.



Đối với nền Y học Việt Nam, sự thành công của công trình đã cho thấy hiệu quả của nhóm phản ứng nhanh thuyên tắc phổi không quá phụ thuộc vào cơ sở vật chất của từng trung tâm, nhờ vậy đây là tiền đề để nhân rộng mô hình này ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp việc chẩn đoán và chăm sóc người bệnh thuyên tắc phổi được tối ưu hơn. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sự thành công nghiên cứu này là cú hích tinh thần, cổ vũ các y bác sĩ tiếp tục các công trình nghiên cứu của mình, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ThS BS. Trần Đăng Khương chia sẻ: “Sứ mệnh của BV ĐHYD TPHCM là “Mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tối ưu bằng sự tích hợp giữa điều trị, nghiên cứu và đào tạo”. Tôi là một thành viên của Bệnh viện nên tôi càng hiểu rõ sứ mệnh này và đó cũng là lý do thôi thúc khiến tôi viết nên nghiên cứu này và dồn tâm sức để thực hiện nó.

Quá trình thực hiện nghiên cứu có nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như phải dừng lại, nhưng nhờ sự động viên của Ban Lãnh đạo Bệnh viện cũng như Ban Lãnh đạo Khoa, sự ủng hộ của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi đi đến cuối cùng của nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự hiệu quả của mô hình PERT team, đây là niềm vui vô cùng lớn đối với cá nhân tôi cũng như tập thể trung tâm tim mạch. Từ đây, chúng tôi đã tìm ra một mô hình điều trị tối ưu cho người bệnh thuyên tắc phổi.

Được sự động viên của ban lãnh đạo khoa, tôi đã quyết định đăng ký tham gia kỳ thi và rất bất ngờ khi đã đạt Giải Nhì. Đối với tôi đây là cuộc thi rất hay, rất ý nghĩa cho những người Bác sĩ trẻ có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Thành tích này là động lực to lớn cho tôi tiếp tục tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khác trong việc tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh tim mạch”.

– Giới thiệu tổng quan công trình “Hiệu quả của đội nhóm phản ứng nhanh thuyên tắc phổi (PERT TEAM) trong điều trị người bệnh thuyên tắc phổi ở quốc gia đang phát triển”:
Thuyên tắc phổi là một cấp cứu nội khoa thường gặp, tỉ lệ tử vong ở những trường hợp thuyên tắc phổi nguy cơ trung bình – nặng vẫn còn rất cao. Ngày nay đã có nhiều phương pháp được phát triển để điều trị người bệnh thuyên tắc phổi nguy kịch. Tuy nhiên do thiếu các bằng chứng chất lượng cao, việc lựa chọn và quyết định phương pháp điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Đội nhóm phản ứng nhanh thuyên tắc phổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được ra đời từ năm 2012 để giải quyết vấn đề này.

Khi có trường hợp thuyên tắc phổi nặng, đội nhóm phản ứng nhanh sẽ tập hợp ngay lập tức với sự có mặt của nhiều chuyên gia, nhóm chuyên gia này sẽ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh, huy động nguồn lực bệnh viện để người bệnh được tiếp cận các phương pháp điều trị kỹ thuật cao sớm nhất có thể. Mô hình đã chứng minh được hiệu quả ở các nước phát triển, nơi có nguồn lực về cơ sở vật chất và chuyên gia dồi dào. Liệu đội nhóm này có hoạt động hiệu quả ở các nước đang phát triển, nơi có nguồn lực y tế còn hạn chế hay không? Đó chính là mục đích của nghiên cứu này.

ThS BS. Trần Đăng Khương và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong vòng 2 năm. Số liệu cho thấy với sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của đội nhóm thuyên tắc phổi, tỉ lệ tử vong của người bệnh thuyên tắc phổi nguy kịch đã giảm đáng kể, nhiều người bệnh khỏi bệnh và xuất viện khỏe mạnh.